Thời tiết lạnh làm nguy cơ đột quỵ gia tăng, nhất là ở người cao tuổi, người có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì. Nắm vững các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ qua đó có cách chăm sóc, cấp cứu kịp thời là việc vô cùng quan trọng để hạn chế được nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ
Thực tế đã cho thấy bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên ngoài nguyên nhân liên quan đến các yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, thì còn có rất nhiều yếu tố bệnh lý làm tăng nguy cơ bị đột quỵ như:
- Tiền sử đột quỵ: Người đã từng bị đột quỵ hoặc gia đình có người bị đột quỵ
- Bệnh nền tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu
- Thừa cân, béo phì
- Hút thuốc lá, nghiện rượu bia và thức uống có cồn
- Lối sống không lành mạnh: Ăn uống không điều độ, ít vận động,...
Lối sống không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Các dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột, dữ dội và biến mất rất nhanh, tùy thuộc vào vùng não và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ theo quy tắc BE FAST - một trong những cách giúp bạn nhận biết nhanh nhất cơn đột quỵ được Hội tim mạch Mỹ và nhiều tổ chức y tế khác sử dụng.
BE FAST là từ viết tắt của:
- B (Balance): Diễn tả triệu chứng đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
- E (Eyesight): Là dấu hiệu đột quỵ xảy ra ở mắt, bệnh nhân đột ngột mờ mắt, nhìn không rõ, giảm thị lực, thậm chí mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F (Face): Khuôn mặt mất cân đối, một bên mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống, liệt một bên mặt, thể hiện rõ khi cười
- A (Arm): Khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng lúc.
- S (Speed): Giọng nói biến đổi hoặc nói ngọng bất thường, khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ. Có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh nhắc lại những câu đơn giản.
- T (Time): Nếu thấy những triệu chứng trên thì cần lập tức gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời, tránh tử vong hoặc các biến chứng nguy hiểm.
Cần làm gì khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian vàng để cấp cứu là từ 1 đến 3 tiếng, càng cấp cứu sớm người bệnh càng có cơ hội phục hồi trở lại, hạn chế được các biến chứng nặng. Do đó, ngay khi có các dấu hiệu của đột quỵ, cần tới gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt để được điều trị. Nếu nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ở ai đó, cần nhanh chóng xử trí bằng cách:
- Đỡ hoặc dìu người bệnh nằm nghiêng ở nơi thoáng mát và đảm bảo tư thế thoải mái nhất, tránh để người bệnh ngã.
- Không nên cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì vì có nguy cơ sặc và tràn vào phổi. Đồng thời móc hết đờm của bệnh nhân (nếu có) để tránh gây ngạt.
- Tuyệt đối không cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay, xoa dầu nóng hay cho uống bất kỳ loại thuốc nào mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Gọi xe cấp cứu và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.
Xử trí sớm và đúng cách khi bị đột quỵ là việc rất quan trọng để người bệnh tránh được các biến chứng nguy hiểm hoặc tử vong.
Rất khó để có thể xác định được thời điểm chính xác xảy ra đột quỵ, nhiều dấu hiệu thường bất ngờ xuất hiện trong vài giờ thậm chí là vài phút trước khi phát tác. Do đó, điều tốt nhất nên làm là chủ động phòng tránh căn bệnh này từ sớm.
Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, tránh xa rượu bia, thuốc lá, tập luyện thể dục thể thao đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ là giải pháp vàng giúp phòng tránh các nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Ngoài ra, hiện nay có một số thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được tin dùng trong phòng ngừa đột quỵ mà bạn có thể bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày giúp giảm nguy cơ đối mặt với căn bệnh này. Tuy nhiên bạn cần tỉnh táo nhận định khi lựa chọn sản phẩm ngăn ngừa đột quỵ cho bản thân, gia đình để tránh mua phải các sản phẩm kém chất lượng, thiếu uy tín, gặp phải tình trạng "tiền mất tật mang".