Nhận biết Xơ vữa động mạch và các biến chứng tim mạch nguy hiểm

Nhận biết Xơ vữa động mạch và các biến chứng tim mạch nguy hiểm

Xơ vữa động mạch là tình trạng lòng động mạch bị thu hẹp do tích tụ mảng bám, dẫn đến cản trở lưu thông máu. Bệnh lý này tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng tim mạch nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Hiểu rõ về bệnh Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là một bệnh lý tim mạch tiến triển âm thầm, thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Khi động mạch máu dần bị thu hẹp và cứng lại do sự tích tụ của các mảng bám, ảnh hưởng tới lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể. Mảng bám này được hình thành từ nhiều yếu tố, bao gồm chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác.

Xơ vữa động mạch là tình trạng tích tụ mảng bám trong các động mạch, bao gồm cholesterol, chất béo và các chất khác.

Một số triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh Xơ vữa động mạch bao gồm: Đau thắt ngực; khó thở; hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu; đau mỏi chân tay, tê bì, chuột rút; mệt mỏi...

Nguyên nhân gây ra Xơ vữa động mạch

Yếu tố di truyền

Nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch bị ảnh hưởng bởi sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố di truyền và môi trường. Các nghiên cứu đã xác định được hơn 50 biến thể gen liên quan đến sự phát triển của bệnh xơ vữa động mạch. Những biến thể gen này có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể điều chỉnh mức cholesterol, huyết áp, phản ứng viêm và các yếu tố nguy cơ khác.

Tuy nhiên, di truyền không quyết định hoàn toàn việc bạn có mắc bệnh xơ vữa động mạch hay không.

Chế độ dinh dưỡng và vận động thiếu khoa học

Chất béo bão hòa và cholesterol có thể được tìm thấy trong thịt đỏ, da động vật, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm từ sữa nguyên kem. Khi tiêu thụ quá nhiều, những chất này có thể tích tụ trong máu, hình thành mảng bám trong động mạch và làm hẹp lòng mạch.

Mặt khác, lười vận động có thể dẫn đến tăng huyết áp, làm hỏng thành động mạch và tăng nguy cơ hình thành mảng bám.

Béo phì

Béo phì thường liên quan đến mức cholesterol xấu cao và cholesterol tốt thấp, cũng như chất béo trung tính (triglyceride) cao. Những rối loạn lipid này thúc đẩy sự hình thành mảng bám trong động mạch.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Tiểu đường

Tiểu đường làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu. Theo nghiên cứu, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp hai lần so với người bình thường.

Huyết áp cao

Khi huyết áp cao, lực tác động lên thành mạch máu cũng tăng cao, dẫn đến tổn thương lớp nội mô mạch máu. Lớp nội mô bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho các chất béo, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL), tích tụ và hình thành mảng bám trong lòng mạch. Các mảng bám này theo thời gian sẽ ngày càng dày lên, làm hẹp lòng mạch và cản trở lưu thông máu, dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch.

Các biến chứng nguy hiểm do xơ vữa động mạch gây ra

  • Nhồi máu cơ tim: Mảng bám tích tụ bên trong thành động mạch, làm hẹp và cứng động mạch, cản trở lưu thông máu đến tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi một nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cắt đứt nguồn cung cấp máu oxy cho một phần cơ tim. Điều này có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
  • Đột quỵ: Khi mảng bám vỡ ra hoặc bị tổn thương, nó có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn động mạch não, dẫn đến đột quỵ.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Mảng bám tích tụ ở các động mạch chi (thường là chân) có thể gây đau chân, tê bì, thậm chí hoại tử chi.
  • Suy tim: Khi lưu thông máu đến tim bị cản trở, tim không đủ oxy và dưỡng chất để hoạt động hiệu quả, dẫn đến suy tim.
  • Suy thận: Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến các động mạch mang máu đến thận, khiến các chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, gây ứ đọng độc tố và dịch thừa trong cơ thể.

Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh Xơ vữa động mạch

Đối mặt với Xơ vữa động mạch, việc phòng ngừa và điều trị sớm là "chìa khóa" để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Một số thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh: Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol, đồ ngọt.
  • Tập thể dục thường xuyên: Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hầu hết các ngày trong tuần. Bạn có thể lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, bơi lội,...
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân béo phì là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến Xơ vữa động mạch. Hãy theo dõi cân nặng thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp.
  • Bỏ hút thuốc lá: Bởi hút thuốc lá làm hỏng thành động mạch và tăng nguy cơ hình thành mảng bám.
  • Kiểm soát huyết áp, lượng đường trong máu: Nếu bạn bị huyết áp cao hoặc tiểu đường, hãy thăm khám và trao đổi trực tiếp với bác sĩ để kiểm soát tình hình.

Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm Xơ vữa động mạch và tầm soát nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Sức khỏe tim mạch là nền tảng cho mọi hoạt động trong cuộc sống. Hãy luôn lắng nghe cơ thể, thực hiện lối sống khoa học và thăm khám sức khỏe thường xuyên để bảo vệ tim mạch và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hotline: 024 378 76 502