Hằng ngày chúng ta vẫn luôn thấy dầu gội và dầu xả thường được hướng dẫn sử dụng theo cặp để đạt hiệu quả mềm mượt, chắc khỏe cho mái tóc. Nhưng sau bước làm sạch bằng dầu gội, thì việc sử dụng thêm dầu xả có thực sự cần thiết hay không? Hãy cùng Vinalink Group tìm hiểu những thông tin cơ bản về dầu xả nhé.
Dầu xả dành cho tóc là gì?
Dầu gội có chức năng làm sạch và loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn trên da đầu, kể cả độ ẩm. Nhưng nếu chỉ làm sạch thôi thì vẫn chưa đủ để có mái tóc chắc khỏe, bồng bềnh. Để da đầu và tóc chắc khỏe từ gốc đến ngọn, thì việc sử dụng thêm dầu xả để khóa ẩm, cấp ẩm cho tóc là vô cùng cần thiết. Bởi sau khi gội đầu, các vẩy biểu bì tóc xòe ra khiến tóc không có một sự trơn phẳng.
Tác dụng của dầu xả với tóc
Dầu xả sẽ giúp khép biểu bì tóc sau khi gội, giảm ma sát giữa các sợi tóc, nhờ đó mà hạn chế được tình trạng khô, xơ, rối, đồng thời đưa dưỡng chất thẩm thấu vào từng sợi tóc. Với tác dụng chính là làm mềm tóc, cung cấp độ ẩm cho da đầu và nuôi dưỡng phục hồi tóc hư tổn, dầu xả giúp giảm thiểu tình trạng tóc hư tổn do nhiệt độ, môi trường và hóa chất.
Tùy thuộc vào loại da đầu, tình trạng tóc mà dầu xả sẽ được sản xuất nhiều loại với các thành phần phù hợp như dành cho tóc mòng, tóc dày, tóc xoăn hay tóc nhuộm tẩy hóa chất, tóc hư tổn nặng,…
Sử dụng dầu xả giúp chăm sóc và nuôi dưỡng mái tóc bóng khỏe hơn.
Thành phần chính thường thấy của dầu xả
Các hoạt chất hoạt động bề mặt là những phân tử dài dính vào bề mặt của tóc, phủ lên tóc một lớp bôi trơn siêu nhỏ. Điều này giúp các vảy biểu bì nhô lên dễ dàng trượt qua nhau, nhờ đó tóc được gỡ rối một cách dễ dàng. Các hoạt chất hoạt động bề mặt thường thấy, như:
- Cetrimonium chloride
- Behentrimonium chloride
- Distearyldimonium chloride
- Stearamidopropyl dimethylamine
Dầu dưỡng từ thực vật sẽ giúp bao phủ bề mặt sợi tóc, tạo thành lớp bảo vệ, giữ ẩm, tránh gây hư tổn cho tóc khi tạo kiểu. Đặc biệt, dầu dừa hay dầu ô liu còn có khả năng thâm nhập qua lớp biểu bì của tóc để vào bên trong lõi tóc, nên nếu sử dụng thường xuyên sẽ giúp mái tóc được cải thiện độ đàn hòi và mềm khỏe hơn.
Chất giữ ẩm thường hút và giữ nước ở da hoặc tóc, như panthenol, glycerol.Nhưng cũng cần cẩn trọng nếu sản phẩm dầu xả có chứa quá nhiều chất giữ ẩm trong bảng thành phần. Điều này có thể gây ra tình trạng tóc bông xù lên khi vẫn còn ẩm.
Protein có thể thâm nhập sâu qua lớp biểu bì, giúp tóc bóng mượt và đầy đặn hơn. Thường thấy nhất trong bảng thành phần là bất cứ các chất mà tên của chúng có chứa từ protein, như: Silk protein, Quinoa protein, wheat protein,…) hay Keratin, Collagen thủy phân, Axit amin.
Cách lựa chọn sản phẩm dầu xả phù hợp cho tóc
Thành phần silicon được khuyến cáo nên tránh sử dụng lâu dài cho tóc, bởi thành phần này sẽ tạo cảm giác bóng mượt tức thì nhưng lại chính là tác nhân ngăn chặn dưỡng chất có thể thẩm thấu để nuôi dưỡng tóc.
Đối với những mái tóc bị chẻ ngọn và khô, nên tham khảo dầu xả chứa vitamin E, dầu ô liu, dầu dừa,… để cải thiện tình trạng này một cách tốt nhất. Những loại dầu xả nhiều dưỡng chất sẽ tạo độ ẩm, nuôi dưỡng mái tóc từ sâu bên trong, đẩy lùi tình trạng tóc khô và cứng.
Ngược lại, đối với những cô nàng có mái tóc mỏng, dầu xả chứa quá nhiều dưỡng chất lại là điều nên tránh. Do dưỡng chất trong dầu xả có thể khiến tóc nhanh bị bết và lộ rõ khuyết điểm.
Cần lựa chọn loại dầu xả phù hợp với chất tóc của mình.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều thương hiệu dầu xả tóc khác nhau, đa dạng về mẫu mã, thành phần và kiểu dáng. Bạn cần lưu ý lựa chọn được sản phẩm đảm bảo chất lượng cũng như phù hợp nhất với mình, giúp bảo vệ và cải thiện tình trạng tóc hiệu quả.