Tim mạch là một trong những nhóm bệnh có nguy cơ tử vong cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng bệnh khá mờ nhạt, khó phát hiện do diễn biến âm thầm, không rõ ràng. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh sớm bệnh tim mạch là vô cùng quan trọng để phòng tránh nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và những người trong gia đình.
Tìm hiểu về bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là thuật ngữ y khoa được sử dụng để chỉ chung cho các vấn đề xảy ra khi tim và mạch máu không hoạt động như bình thường. Bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, van tim, suy tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ...
Bệnh tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ mắc bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Căn bệnh này không thể chữa khỏi mà cần được điều trị và theo dõi cẩn thận suốt đời, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo thống kê, bệnh tim mạch đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Có nhiều nguyên nhân gây ra các vấn đề về tim mạch, thường liên quan đến lối sống, thói quen sinh hoạt, các bệnh lý về huyết áp, mỡ máu, đường huyết. Bên cạnh các yếu tố không thể can thiệp liên quan đến tuổi tác và di truyền, một số tác nhân có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch thường gặp là: thừa cân, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên hút thuốc lá, lười vận động...
Đối với bệnh tim, cách tốt nhất là lưu ý phòng ngừa vì nó quan trọng hơn nhiều so với điều trị. Nắm vững các dấu hiệu sớm có thể giúp bạn can thiệp và dự phòng được nhóm bệnh này.
Dấu hiệu mắc bệnh tim mạch cần lưu ý
Mất ngủ thường xuyên: Mất ngủ có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, và bệnh tim mạch được xem là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng này. Nguyên nhân có thể là do tình trạng tăng huyết áp, thiếu máu, oxy hoặc rối loạn nhịp tim gây ra cảm giác lo lắng và khó ngủ, cản trở giấc ngủ.
Ho dai dẳng, khò khè: Khi trái tim gặp vấn đề về chức năng hay cấu trúc thì máu có thể bị tắc nghẽn và ứ đọng tại phổ, rây ra tình trạng ho mạn tính, thở khò khè.
Cơ thể bị tích nước, căng phù: Suy tim gây tích tụ dịch trong cơ thể làm sưng, phù một số vị trí trên cơ thể. Thường là phù tím, phù mềm và bắt đầu từ hai bàn chân. Nhiều người lầm tưởng mình tăng cân đột ngột và bị mất cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức: Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức kéo dài thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch do thiếu máu đến tim, não và phổi. Nó sẽ khiến bạn dễ uể oải, kiệt sức ngay cả khi thực hiện các hoạt động thường ngày.
Mệt mỏi và kiệt sức kéo dài thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Cảm giác khó thở, đau tức ngực: Những cơn đau thường nằm ở giữa ngực hoặc lệch về bên trái - vị trí của tim trong lồng ngực, đôi khi đi kèm với cảm giác hồi hộp, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn và khó thở. Sau các cơn đau ngực, thường người bệnh sẽ thấy xuất hiện những cơn đau lan đến vai, cánh tay và lưng. Các triệu chứng này xuất phát từ việc tắc nghẽn mạch máu nuôi tim, tim không được cung cấp đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết.
Nhịp tim nhanh, không đều: Không có gì đáng lo ngại nếu một người có nhịp tim đập nhanh vào một thời điểm nào đó rồi nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu xuất hiện tình trạng đánh trống ngực hoặc đập dồn dập, đặc biệt đi kèm với kiệt sức, chóng mặt hoặc khó thở, đó có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh tim mạch bạn cần lưu ý. Nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường trên, nhớ theo dõi sát sao và chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng nguy hiểm.
Cũng đừng quên duy trì lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý để giữ sức khỏe ổn định, hạn chế mắc các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung các thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ tăng cường lưu thông khí huyết, giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch để bảo vệ tim mạch.